Nợ quốc gia và câu chuyện địa - chính trị

Lê Trọng Hiệp

Chính quyền Trump yêu cầu Cambodia trả lại khoảng nửa tỷ Mỹ kim, là nợ gốc cộng lãi mẹ và lãi con từ số tiền 274 triệu Mỹ kim đã cho chính quyền Lon Non vay vào thập niên 70 của thế kỷ 20.

Cả nước Cambodia sùng sục tức giận, giới ngọai giao Mỹ bấm bụng làm theo lệnh trên một cách cực chẳng đã, còn thế giới thì cười nhạo và lo lắng: bằng hành vi ngu xuẩn này, ông Trum đang đẩy Cambodia đi sâu vào qũy đạo của Trung Quốc, đòi lại nửa tỷ chưa chắc được mà gây thiệt hại chiến lược nếu bỏ ra cả mấy chục tỷ chưa chắc gỡ được!

Món nợ năm xưa

Để hiểu ngọn ngành có lẽ chúng ta phải đi ngược lại thời Norodom Sihanouk (1922- 2012), ông vua mê điện ảnh, đã được sách Kỷ lục Guinness đã ghi nhận là một trong những chính khách giữ nhiều chức vụ nhất: hai lần làm vua, hai lần thái tử, một lần chủ tịch nước, hai lần thủ tướng, một lần quốc trưởng cùng nhiều chức vụ trong các chính phủ lưu vong.

Nhưng đa phần các chức vụ này chỉ là hình thức, biểu tượng. Shihanouk chỉ thực sự nắm quyền lực trong vai trò đức vua, thủ tướng và quốc trưởng từ năm 1953 đến năm 1970, là năm bị tay chân tâm phúc Lon Nol truất phế. Nhưng Sihanouk càng cầm quyền cao bao nhiêu, ông ta càng mang tai ương cho đến dân tộc mình bấy nhiêu, chỉ vì ông ta ngờ nghệch trông cậy vào Trung Quốc.

Khi Cambdia còn là thuộc địa của Pháp thì Sihanouk sống theo lối ngậm miệng che tai để bảo vệ đặc quyền của mình, bất kể phong trào đòi độc lập bùng nổ tại Cambodia. Mãi đến cuối năm 1952 khi thế của Pháp đã yếu, Shihanouk mới đi đây đi đó vận động ngọai giao, gây áp lực buộc Pháp trả độc lập. Đến ngày 9.11.1953, mệt mỏi vì đang thua trận ở Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trả chủ quyền.

Nắm quyền trong tay, Shihanouk bắt đầu ván bài địa lý chính trị. Cho rằng sớm muộn gì thì cộng sản sẽ chiến thắng ở Đông Nam Á, ông ta tiến hành chiến lược động đón gió, cố giữ quan hệ “hữu hão” với Trung Cộng và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Theo ông ta thì đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh cãi biên giới Việt – Miên với Việt Nam Cộng Hòa (VNCH): sau này Bắc Việt sẽ thắng và sẽ nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.

Về cá nhân, từ năm 1956 Sihanouk đã trở thành “bạn thân” của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành. Sau này khi trở về Nam Vang trong chính phủ lưu vong (lúc này Mao đã chết), Kim Nhật Thành đã có ý nhắc nhở giới lãnh tụ Khmer Đỏ là không được động đến Sihanouk qua từng hành động nhỏ, thí dụ nhờ phái bộ ngọai giao Khmer mang về cho Sihanouk một giỏ táo!

Trở lại thời điểm đỉnh cao quyền lực của Sihanouk. Vì chủ trương thân Trung Cộng và VNDCCH, vị “quốc trưởng” này liền trở thành cái gai của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đầu năm 1959 VNCH ngầm bắt tay với tướng Dap Chhoun hòng lật đổ Sihanouk rồi đưa Sơn Ngọc Thành lên thay. Theo kế hoạch thì khi cuộc đảo chính bùng nổ lực lượng của VNCH sẽ tiến đến biên giới giúp Dap Chhoun chiếm lĩnh khu vực Đông - Bắc Cambodia. Tuy nhiên kế họach này bị bại lộ vì sự chần chừ của Sơn Ngọc Thành, muốn mở mặt trận ở phía Tây và do đó phải cầu viện Thái Lan. Bị lộ, quân đảo chính của Dap Chhoun bị lực lượng phản đảo chính của Lon Nol đánh tan, các gián điệp của Ngô Đình Nhu bị bắt và bị tử hình.

Từ đó Sihanouk càng căm ghét VNCH. Năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào Việt Nam, Sihanouk cho Bắc Việt xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình, cho tàu Trung Quốc cập các hải cảng của Cambodia, bù lại Trung Quốc sẽ mua gạo của Cambodia với giá cao.

Nhưng Sihanouk không biết là ông ta chơi dao hai lưỡi. Trung Cộng giúp chế độ của ông ta nhưng bí mật ủng hộ cho đội quân Khmer Đỏ, lực lượng Maoist đang chiến đấu để lật đổ chế độ quân chủ của ông ta. Còn việc Bắc Việt xây dựng căn cứ trên Cambodia lại biến đất này thành mục tiêu oanh kích của máy bay Mỹ cùng các chiến dịch tảo thanh của Quân đội VNCH. Trâu bò húc nhau, dân Cambodia chết, hậu quả là sự căm thù: vì thù Mỹ, thù chế độ Sihanouk, nông dân Cambodia lũ lượt đi theo Khmer Đỏ.

Nhưng Sihanouk chưa bị Khmer Đỏ đánh bại ngay. Đầu tiên chính sách này lại gây bất mãn trong chính giới Cambodia và ngày 18.3.1970, trong lúc đang ở Pháp, Sihanouk bị đảo chánh. Lúc này Lon Nol – vị tướng đã lên làm thủ tướng - cho quân đội mang xe tăng bao vây Quốc hội và buộc Quốc hội bỏ phiếu phế truất Quốc trưởng Sihanouk, trao quyền lực khẩn cấp cho mình. Cùng đường Sihanouk đến Bắc Kinh sống nhờ. Từ năm 1971 Sihanouk bắt đầu đến nhiều nước trên thế giới để kêu gọi sự ủng hộ cho Khmer Đỏ. Khi Khmer Đỏ đánh bại chế độ Lon Nol vào năm 1975 thì Sihanouk trở thành nguyên thủ bù nhìn cho đến lúc từ chức vào ngày 4.4.1976, vì chế độ này quá tàn bạo. Nhưng sau khi Khmer Đỏ bị Việt Nam đánh tan vào năm 1978, Sihanouk lại tiếp tục tới Liên Hiệp Quốc ở New York để vận động cho Khmer Đỏ và kêu gọi Liên Hiệp Quốc gửi quân đến Campuchia tấn công quân Việt Nam. Việc bắt tay với Khmer Đỏ đã trở thành vết nhơ không thể nào xóa sạch trong cuộc đời Sihanouk.

Trở lại với Lon Nol sau vụ đảo chính Sihanouk. Để củng cố kinh tế và xây dựng lực lượng nhằm trấn áp lại lực lượng Khmer Đỏ, Lon Nol phải vay tiền của Mỹ nhưng không thể đảo ngược tình thế. Tháng Ba năm 1975 Khmer Đỏ tiến vào Nam Vang và lúc này Lon Nol đã chạy sang Mỹ tỵ nạn.

Lon Nol qua đời tại Mỹ năm 1985 và món nợ ông đứng tên vay mựon vẫn còn làm đau đầu người Cambodia đến giờ.

Năm 2010, Thủ tướng Hun Sen từng yêu cầu nguyên Tổng thống Barack Obama chuyển đổi số nợ “bẩn” nói trên thành tiền viện trợ. Cuối năm ngoái ông Hun Sen từng liên lạc với ông Trump yêu cầu hủy món nợ này. Theo ông ta thì viện trợ này được Lon Nol dùng để mua vũ khí chống lại người dân của mình và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Khmer Đỏ trổi dậy.

Đầu năm nay ông Husen cũng nhắc lại lập trường này: Cambodia sẽ không trả lại khoản nợ mà người Mỹ dùng để “nhuốm máu” người dân nước mình.

Hun Sen không chịu trả, nếu Trump quyết đòi thì sự thể sẽ diễn ra như thề nào?

Chúng ta hãy nhìn lại các vụ đòi nợ quốc gia làm thay đổ cán cân lịch sử và bản đồ chính trị thế giới.

Cậy mạnh hiếp yếu

Nổi bật nhất nhất là các vụ đòi nợ tại Châu Mỹ La-Tinh vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Giai đọan này kinh tế của vùng đất này trở nên bi đát với cảnh các quốc gia nối tiếp nhau phá sản. Họ vay những món nợ với lãi suất khá cao từ Âu Châu trong khi tình hình chính trị luôn mất ổn định, họ mất hẳn khả năng hoàn trả, dẫn đến cảnh đòi nợ.

Tháng Bảy năm 1861, vì công khố hết tiền, Tổng thống Mexico là Benito Juarez quyết định ngưng trả lãi đối với các khoản vay nước ngoài và lập tức các nước chủ nợ như Tây Ban Nha, Pháp và Anh nổi giận. Hoàng đế Pháp Napoleon Đệ Tam kêu gọi các nước chủ nợ khác cùng phối hợp để đòi tiền.

Sau đó liên minh Anh – Pháp – Tây Ban Nha ra đời với Hiệp ước London ký ngày 31.10.1861, theo đó các bên tham gia sẽ có “những biện pháp cần thiết” để buộc Mexico trả nợ.

Ngày 8.12.1861 các tàu chiến Tây Ban Nha từ Cuba - lúc đó là thuộc địa của Tây Ban Nha - đưa liên quân ba nước đổ bộ vào Veracruz, hải cảng chính của Mexico. Đóng quân tại đây mấy tháng trời để gây sức ép nhưng Mexico làm sao có thể trả nợ khi đã sạch tiền trong công khố.

Tuy nhiên giữa lúc này thì Anh và Tây Ban Nha mới hay rằng đồng minh Pháp đang không thực tâm đến đây để đòi nợ mà muốn chiếm luôn Mexico. Không dại gì “cầm c… cho Pháp đái”, hai chủ nợ kia rút lui để Pháp ở lại một mình nhưng rồi chính quyền thực dân của chủ nợ Pháp tại Mexico không thọ lâu. Năm 1867, Benito Juarez, một người da đỏ Zapotec đã đánh đuổi người Pháp và khôi phục nền cộng hòa, trở thành tổng thống da đỏ đầu tiên của México và được đánh giá là vị tổng thống vĩ đại nhất của México trong thế kỷ 19.

Sau đó là vụ khủng hoảng Venezuela trong hai năm 1902–03, lúc Mỹ đang cố gắng xây dựng hải quân để bành trướng sức mạnh trên biển, chống lại sự thống trị của Âu châu.

Sau khi giành được quyền bính trong tay vào năm 1899 trong cuộc nội chiến mang tên Cách mạng Khôi phục Tự do, tướng Cipriano Castro trở thành tổng thống Venezuela. Để thỏa mãn lực lượng ủng hộ mình trong cuộc nội chiến, ông hạ lệnh xù nợ Âu châu, cũng như không đền bù thiệt hại tàn sản của người ngoại quốc đã bị cướp bóc hay tàn phá trong cuộc nội chiến.

Việc này khiến các nước Đức, Anh và Ý phải phái hải quân xuất hành đi đòi nợ. Tháng 12 năm 1902 ba nước liên minh Anh, Đức, Ý đưa chiến hạm đến phong tỏa các hải cảng biển của Venezuela và ngay sau vài trận chạm trán, lực lượng hải quân yếu ớt của Venezuela bị vô hiệu hóa, nhiều tàu chiến bị tịch thu.

Tuy nhiên ông Castro vẫn không chấp nhận các điều kiện trả nợ và bồi thường do các nước châu Âu đưa ra và yêu cầu phải đưa ra tòa án quốc tế phân xử. Ba nước chủ nợ phản ứng mạnh bằng cách cho hải quân bắn chìm 2 tàu Venezuela và oanh kích vào bờ biển. Nhưng việc này khiến Mỹ lo ngại.

Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Theodore Roosevelt, người đã ra lệnh Bạch Đại Hạm đội (Great White Fleet) đi vòng quanh trái đất đến thăm từng quốc gia có bờ biển trong đó có Việt Nam, còn là thuộc địa Pháp. Hạm đội gồm có 16 thiết giáp hạm được chia thành bốn hải đoàn cùng với nhiều loại chiến hạm hỗ trợ khác nhau đã tỏa ra đi khắp thế giới từ ngày 16.12.1907 đến ngày 22.2.1909 để chứng tỏ với cả thế giới rằng sức mạnh quân sự Mỹ đang phát triển và khả năng hoạt động tại vùng biển sâu của Hải quân Mỹ.

Hăm hở chứng tỏ sức mạnh mình ở vùng biển xa, dĩ nhiên Mỹ sẽ không để bất cứ ai khác tự tung tự tác trên “sân sau” của mình!

Mỹ e ngại là nếu lần này làm được, mấy nước Âu châu sẽ lấn tới và khiến châu Mỹ rối lên.

Do đó lập tức Roosevelt gây sức ép, buộc ba nước chủ nợ phải xuống thang. Đồng thời ông ta lên tiếng khẳng định quyền can thiệp của Mỹ để “ổn định” tình hình kinh tế của các nước nhỏ ở Caribebean và Trung Mỹ nếu các nước này không thể trả các khoản nợ quốc tế.

Với sức ép của Mỹ, ba nước Đức, Anh và Ý phải ngồi vào bàn đàm phán với con nợ Venezuela. Đến ngày 13-2-1903, các bên đạt được thỏa thuận, theo đó Anh, Đức, Ý hủy bỏ việc phong tỏa các vùng biển của Venezuela. Đổi lại, Venezuela phải dỡ bỏ 30% thuế nhập cảng đối với các hàng hóa của ba nước này.

Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậy mà còn sâu hơn, thuộc về lĩnh vực địa lý chính trị với Học thuyết Monroe.

Học thuyết Monroe

Học thuyết này được Tổng thống Mỹ James Monroe công bố trước quốc hội ngày 2.12.1823, gọi là Monroe Doctrine (MD).

Trong cương lĩnh này ông Monroe nêu ra ba yếu tố chính để bảo về quyền lợi của Mỹ: thứ nhất, chấm dứt việc khai phá thuộc địa của Âu Châu tại Châu Mỹ La Tinh; thứ hai, nền chính trị Mỹ sẽ tách rời nghị trình chính trị của Châu Âu; thứ ba, Âu Châu không có quyền can thiệp vào công việc “nội bộ” của Châu Mỹ.

Thời ấy các nước Âu châu sở hữu nhiều thuộc địa từ Á sang Phi và Mỹ châu trong khi Mỹ, như là cựu thuộc địa của Anh, không có thuộc địa nào trong tay. Mỹ muốn chấm dứt sự tung hoành của chủ nghĩa thực dân Âu châu, ít ra là tại phần sân Mỹ châu của mình. Ngoài ra, theo một số sử gia, lúc đó Moroe còn muốn răn đe Nga vì nước này cũng cũng đang lăm le dòm ngó khu vực Bắc Mỹ.

Trong thời kỳ này Mỹ chưa thể nắm được ưu thế tuyệt đối với Âu Châu nên học thuyết dành hẳn một biệt lệ đối với những thuộc điạ sẵn có của Âu Châu: những phần đất đang bỏ ngỏ mới là của Mỹ, Âu Châu chỉ nên chấm dứt việc bành trướng thuộc địa.

Năm 1895, cuộc đối đầu với Anh qua cuộc tranh chấp biên giới giữa Venezuela và thuộc điạ Guiana, những thành phần cực hữu tại Mỹ đã lớn tiếng đòi hỏi Mỹ phải bảo vệ quyền lợi của mình tại sân sau là Mỹ châu, do đó cần phải mạnh hơn. Kể từ thời TT Grover Cleveland (1837 –1908 – tổng thống thứ 22 và 24), ngân sách quân sự, nhất là với hải quân, được gia tăng đáng kể, và hải quân Mỹ đã là một lực lượng đáng gờm.

Trước “tục lệ” dùng tàu chiến để đòi nợ khá phổ biến lúc bấy giờ ông Luis M. Drago, ngoại trưởng Argentina, ra sức vận động một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn cản phương thức võ biền này. Đồng thời, lúc này các nước Đức, Anh và Ý vẫn có ý chần chờ vì ngại thái độ của Mỹ, đã thể hiện qua Học thuyết Monrones. Tuy nhiên ngày 3.12.1902, TT Theodore Rooselvelt đã minh định thái độ không can thiệp với điều kiện những chủ nợ Âu Châu không có ý định ở lỳ.

Khi đèn xanh đã bật những hạm đội của Anh, Đức và Ý, đã rầm rộ ra khơi... đòi nợ. Trước tình cảnh đường biển bị phong toả, tàu bè bị đánh đắm hay bị tịch thu, thành phố, hải cảng bị nã đạn; Cipriano vội vã cầu cứu Mỹ. Nhưng Mỹ lại lấy làm hài lòng khi Âu Châu tỏ ra dè dặt và tôn trọng mình và, như đã nói ở trên, vấn đề được đưa ra trước toà án quốc tế.

Tuy nhiên trong phán quyết ngày 22.2.1904 Tòa án Hague lại nhìn nhận việc đòi nợ bằng súng đạn do đó Mỹ tỏ ra lo ngại, sợ rằng tàu chiến Âu Châu có thể kéo đến Châu Mỹ một cách hợp Pháp.

Ngày 6.12.1904 ông Rooselvelt công bố Cương lĩnh Roosevelt (Roosevelt Corollary), theo đó những vấn đề của Châu Mỹ phải do các nước Mỹ châu giải quyết: trong khu vực này thì Mỹ sẽ đảm nhiệm sứ mạng để cam kết rằng những quốc gia khu vực này sẽ “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế” của họ.

Lọai Âu châu ra và Mỹ thay thế ở vai trò chủ nợ. Đến lúc này thì Mỹ đòi nợ bằng... Thủy quân lục chiến.

Đòi nợ bằng Thủy quân lục chiến

Lúc này đảo quốc Haiti cũng là con nợ của Mỹ. Vay nợ rất nhiều từ các ngân hàng Mỹ và Pháp, nhưng chính trị quá bất ổn nên kinh tế trì trệ, tiền vay như gió vào nhà trống. Hết khả năng trả nợ mà đảo quốc nào ngo ngoe chống lại Mỹ, do đó phải có cách… trị.

Từ năm 1911-1915 nội tình chính trị Haiti luôn ở trong tình trạng rối ren với các vụ đảo chính, ám sát chính trị khiến Haiti thay tổng thống tới 6 lần và dần dà quyền lực dồn vào tay Rosalvo Bobo, một nhân vật bài Mỹ. Sợ rằng Rosalvo Bobo sẽ quỵt nợ và đóng cửa với giới đầu tư Mỹ, Chính phủ Mỹ quyết định rằng mình không chỉ tấn công mà áp dụng các biện pháp song song để bảo đảm rằng Haiti phải trả được nợ.

Ngày 28-7-1915, Tổng thống Woodrow Wilson phái 330 tàu chiến đưa thủy quân lục chiến đổ bộ vào cảng Port-au-Prince, với mệnh lệnh “bảo vệ quyền lợi của Mỹ và người ngoại quốc”. Trong vòng 6 tuần, Mỹ chiếm quyền kiểm soát các cơ quan thuế, các định chế quan trọng như ngân hàng và ngân khố quốc gia.

Dưới sự thao túng của Mỹ, 40% thu nhập quốc gia của Haiti lúc đó bị dùng để “trả nợ” cho các ngân hàng Mỹ và Pháp. Trong 19 năm sau đó, các cơ quan chính phủ của Haiti vẫn bị kiểm soát bởi người Mỹ, dưới mác “cố vấn”.

Tuơng tự là trường hợp của Nicaragua: Tàu bè Mỹ ra vào kênh đào Panama đều phải băng ngang hải phận Nicaragua, cả ở Thái Bình Dương hay Đại Tây dương. Tuy nhiên nhà độc tài José Zeleya (1893-1910) là nhân vật bài Mỹ, muốn dựa vào Âu Châu để giữ thế độc lập với Mỹ. Năm 1909, một nhóm quân nhân - với sự ủng hộ của Mỹ - đã khởi động cuộc chiến nhằm lật đổ José Zaleya.

Năm 1910 Zeleya bị lật đổ và chính quyền mới này đã phải chấp nhận vay tiền Mỹ để rũ sạch những món nợ Âu Châu. Từ con nợ Âu châu, nước này trở thành con nợ của Mỹ.

Nhưng để bảo đảm rằng nợ được trả đúng thời hạn cho Mỹ thì Nicaragua phải chuyển giao ngành quan thuế cho Mỹ kiểm soát. Tháng 12.1911, khi ngoại trưởng Philander Knox Knox đơn phương công bố “Mỹ hoá” ngành quan thuế tại đây, bạo động đã bùng nổ để rồi bị lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ dập tắt!

Thay lời kết

Chuyện đòi nợ quốc gia của những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 dính líu rất sâu nặng đến vấn đề địa lý chính trị. Lúc đó Mỹ là cường quốc đang lên, muốn cấm cửa Âu châu tại Châu Mỹ La tinh, xem đây là sân sau dành cho riêng mình.

Bây giờ thì khi Trump nằng nặc đòi nợ Cambodia, vị tổng thống này không hiểu rằng đây là hành vi cực kỳ ngu xuẩn về mặt địa lý chính trị.

Trong ván bài đang chơi với Trung Quốc, việc Trump chơi ép Cambodia chỉ có tác dụng duy nhất là khiến nước này ngả hẳn về Trung Quốc và đổi lại Trung Quốc sẽ có một đầu cầu một trạm tiếp tế ngay tại Vịnh Thái Lan.

Nó sẽ khiến Mỹ trở nên bất lợi hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc để giữ địa vị siêu cường độc tôn, sự bất lợi mà Mỹ dù có bỏ ra hàng chục tỷ cũng không cứu chuộc lại được!

L.T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn